Tâm sự của nữ sinh viên mới tốt nghiệp đại học

919 lượt xem Tâm sự
tâm sự sinh viên mới tốt nghiệp

Tốt nghiệp! Một số bạn bè của tôi chọn thử sức ở thành phố nhưng có lẽ tôi sẽ chọn cuộc sống ở quê nhà. Một tỉnh lẻ miền núi. (Ngọc Lan)
> Trăn trở về học phí, việc làm của tân cử nhân đại học

tâm sự sinh viên mới tốt nghiệp

Hôm nay là ngày 5/6. Chỉ còn mấy ngày nữa là tôi sẽ được cầm trên tay tấm bằng Cử nhân – kết quả của 4 năm làm sinh viên và sống ở thủ đô. Sau khi đọc những bài viết về sinh viên, về vấn đề tăng học phí trên VnExpress.net, tôi cũng muốn viết vài dòng để gửi gắm những tâm sự của mình.

Bốn năm! Khoảng thời gian không phải là dài đối với một đời người, nhưng có thể nói nó là một mốc rất quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của một con người.

Đỗ đại học năm 2005! Tôi, một học sinh tỉnh lẻ lần đầu tiên được ra thủ đô, lần đầu tiên sống cuộc sống xa gia đình. Lần đầu tiên không tránh khỏi những bỡ ngỡ, tự ti nhưng bạn bè bên cạnh đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi tự tin hơn, mạnh bạo hơn. Tôi là một cô bé ngoan ngoãn, không ham chơi, không đua đòi tuy nhiên cũng không học quá nhiều. Một người không có gì nổi bật.

Cuộc sống sinh viên không như tôi tưởng tượng. Kỳ học đầu tiên bài vở ở lớp không nhiều. Ngoài thời gian trên lớp, tôi dành phần lớn thời gian ở nhà để ngủ. Đọc đến đây các bạn đừng vội kết luận hay chê trách điều gì.

Các bạn mong chờ gì ở một sinh viên năm đầu đại học? Lại là một sinh viên tỉnh lẻ lần đầu tiên ra thành phố? Tôi chẳng có gì phải thất vọng về mình. Cuộc sống hằng ngày của tôi vui vẻ, đến kỳ thi tôi cũng học nhưng chẳng phải quá nhiều và kết quả là tôi không phải thi lại môn nào nhưng điểm cũng không quá cao.

Hồi ấy đồng tiền còn chưa trượt giá như bây giờ và số tiền tôi được bố mẹ chu cấp một tháng (ngoài tiền học phí) là 800.000 đồng gồm 300.000 đồng tiền thuê nhà (ở KTX sẽ bớt được khá nhiều) 300.000 đồng tiền ăn. Đó là 2 khoản chính, còn lại 200.000 đồng tiêu vặt một tháng là quá đủ với tôi.

Thật sự qua 4 năm học tôi thấy rằng để thi qua (điểm 5) không phải là khó. Thậm chí còn rất dễ. Vậy mà tình trạng thi lại, học lại lại rất nhiều. Và tôi biết nguyên nhân. Trước hết, về tình trạng trên lớp, đúng như một số bạn đã viết trước đây, như một số bài báo đã phản ánh: sinh viên lên lớp đa số là để ngủ. Ngủ là bệnh nan y của sinh viên. Tôi cũng từng là nạn nhân. Cảm giác thèm ngủ thật đáng sợ.

Điều này đừng vội đổ lỗi hoàn toàn cho sinh viên. Giảng đường thì rộng, sinh viên thì đông. Một số thầy cô giảng bài thì qua loa, đại khái, nhạt nhẽo. Sinh viên không buồn ngủ mới là điều lạ. Các bạn cứ thử đặt mình vào những cuộc hội họp, nếu người phát biểu không thuyết phục, không lôi cuốn thì đại biểu bên dưới cũng ngáp ngắn ngáp dài. Cứ thoải mái cho là vì như vậy nên lượng kiến thức mà sinh viên thu được trên lớp đôi khi chỉ là con số 0 (tất nhiên là với một số ít sinh viên).

Xong chuyện trên lớp. Về nhà, thử hỏi bao nhiêu bạn tối về giở được quyển vở ra đọc xem hôm nay trên lớp học những gì (mà trên lớp đã ngủ rồi thì trong vở ghi được gì?). Nếu bạn chịu khó ghi chép và mỗi tối giở vở ra học khoảng 2 tiếng thì tôi nghĩ bạn sẽ thành sinh viên xuất sắc.

Rồi đến kỳ thi. Bạn bắt đầu ôn tập từ khi nào? Trước kỳ thi 1 tuần? Hay 3-4 ngày trước môn thi đầu tiên? Lịch thi của các trường có thể khác nhau. Còn trường tôi lịch thi tương đối dầy, trung bình 2-3 ngày một môn. Nếu cả học kỳ chẳng có chữ nào vào đầu rồi đến khi thi 2-3 ngày phải ngốn cả quyển sách. Nếu bạn thi qua tất cả các môn thì chỉ có 2 trường hợp: Bạn là người rất thông minh hoặc trúng tủ tất cả các môn. Nếu không thuộc 2 loại trên thì việc thi lại, học lại hoàn toàn dễ hiểu.

Vậy lỗi là do đâu? Do bệnh buồn ngủ trên lớp? Do thầy giáo giảng bài quá chán? Do kiến thức quá nhiều? Do lịch thi quá dầy? Đây là những câu ta thán tôi thường xuyên nghe được từ bạn bè. Nhưng tôi nghĩ các bạn nên xem lại chính mình. Nếu thật sự muốn kết quả tốt, các bạn nên bớt ta thán đi và xem lại phương pháp học. Tôi thấy chịu khó ghi chép là một trong những phương pháp học tập hiệu quả, còn đã lười nhác, mải chơi thì đừng than vãn điều gì. Chúng ta đã là những sinh viên đại học chứ không phải là những học sinh được gia đình, thầy cô kèm cặp từng tí một.

Năm thứ hai, ngoài thời gian học trên lớp tôi đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm. Tiền “trợ cấp” của tôi lúc này là 1 triệu đồng/tháng. Nhưng nhu cầu của tôi đã bắt đầu nhiều hơn nên tôi nghĩ mình nên làm thêm công việc gì đó để chi tiêu thoải mái hơn và gia sư là công việc tôi chọn. Gia đình có thể chu cấp cho tôi nhiều hơn nhưng tôi không muốn xin thêm. Kỳ II năm thứ 2 tôi bắt đầu đi gia sư và kiếm được những đồng tiền đầu tiên của riêng mình (không nhiều nhưng tôi thấy rất hạnh phúc và chi tiêu cũng thoải mái hơn).

Năm thứ ba, cũng không có gì đặc biệt. “Trợ cấp” 1,2 triệu đồng/tháng cộng tiền gia sư (tôi chỉ dạy 2 buổi/tuần, khoảng 400.000 đồng/tháng) của tôi cũng đủ để tôi chi tiêu thoải mái. Công việc gia sư quả thật là hơi nhàm chán với những sinh viên không học sư phạm.

Tuy nhiên nếu vấn đề của bạn là “tiền” thì tôi thấy gia sư là công việc thích hợp nhất. Không mất quá nhiều thời gian, không tốn quá nhiều công sức mà tiền kiếm được lại không quá rẻ mạt. Nếu tôi nhận kèm thêm một em nữa thì sơ sơ tôi cũng có 800.000 đồng/tháng, có thể tự trang trải tiền thuê nhà và tiền ăn.

Và lời khuyên của tôi cho các bạn sinh viên đang có ý nghĩ sẽ tìm việc làm ở những trung tâm môi giới việc làm là: “Đừng bao giờ”. Các bạn có thể tìm địa chỉ gia sư ở một số trung tâm gia sư đáng tin cậy hoặc trên một số trang web. Có người sẽ nói rằng số lượng công việc có đủ cho số sinh viên? Nhưng xin thưa! Không phải tất cả sinh viên đều chọn công việc gia sư. Còn rất nhiều bạn năng động và có điều kiện hơn. Nếu muốn họ có thể tìm kiếm những công việc khác. Nhưng đừng chờ công việc tự tìm đến với mình mà mình hãy đi tìm nó.

Năm học cuối cùng của đời sinh viên. Tôi tập trung cho học tập nhiều hơn. Và kết quả là tôi đã tốt nghiệp xếp loại khá. Tôi hài lòng với kết quả của mình. Tuy nhiên, tôi biết không phải cứ kết quả học tốt thì đồng nghĩa với sẽ kiếm tiền giỏi và công việc sau này sẽ tốt.

Nếu trong quá trình học bạn chợt tìm được niềm đam mê, và điều đó có lợi cho công việc, cho cuộc sống sau này của bạn nhưng cũng vì vậy mà bạn có thể không hoàn thành tốt việc học ở trường. Có thể sẽ phải thi lại, học lại một số môn. Điều đó cũng không có gì là quá nghiêm trọng. Cái chúng ta cần là sau 4 năm học ta có gì cho tương lai?

Đó là toàn bộ quãng đời sinh viên của tôi. Thật sự nghĩ lại tôi cũng thấy hơi tiếc nuối vì cảm thấy mình đã làm được quá ít. Kinh nghiệm làm việc chuyên môn của tôi không nhiều. Tôi muốn mình phải năng động hơn (tham gia các hoạt động của khoa chẳng hạn), hiểu biết nhiều hơn. Nhưng tôi thấy rằng mình cũng học được rất nhiều điều.

Tôi cũng xin có ý kiến một chút về vấn đề học phí. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của một số thầy cô là giảng viên. Tôi cũng thấy rằng đồng lương của các giảng viên, giáo viên là quá ít so với cuộc sống bây giờ. Do vậy việc chân ngoài dài hơn chân trong là lẽ dễ hiểu. Và vấn đề tăng học phí là cần thiết. Với mức lớn hơn trước 50.000 đồng/tháng tôi thấy cũng chẳng phải là vấn đề gì quá lớn lao.

Thưa các thầy cô đã từng giảng dạy chúng em! Chúng em thấy rằng có những thầy cô thật sự rất tâm huyết, giảng bài rất dễ hiểu và có những đức tính làm sinh viên chúng em thật sự rất cảm phục, rất yêu quý. Nhưng cũng có những thầy cô giảng bài rất qua loa, đại khái, còn có biểu hiện coi thường sinh viên làm chúng em thật sự không có ấn tượng tốt chút nào.

Tốt nghiệp! Một số bạn bè của tôi chọn thử sức ở thành phố (cũng từng là ước muốn của tôi). Nhưng có lẽ tôi sẽ chọn cuộc sống ở quê nhà. Một tỉnh lẻ miền núi. Thanh bình! Gần gia đình, gần người thân, bạn bè. Được sống vì gia đình, quan tâm chăm sóc những người thân bên cạnh mình tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *